Nhà xuất bản Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An, Thư viện tỉnh và Nhóm Vinh xưa tổ chức sự kiện “Vinh của ta” ra mắt và giới thiệu 2 cuốn sách Tìm dấu Vinh xưa của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần và Vinh phố của tôi của nhà báo, nhà thơ Phạm Thuỳ Vinh, đồng thời trao giải cuộc thi “Vinh của tôi” do nhóm Vinh xưa tổ chức.
“TÌM DẤU VINH XƯA” ĐỂ CÙNG THẮP LÊN HY VỌNG VỀ VINH NAY
Từ nhiều năm nay, qua sách, báo và trang facebook “Vinh xưa”, độc giả đã quá quen thuộc với tên tuổi của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần. Thậm chí, rất nhiều người đã yêu mến gọi ông là “Nhà Vinh học”.
Là một người gắn bó với Vinh rất nhiều năm, khi còn công tác, Phạm Xuân Cần quan tâm nghiên cứu và xuất bản một số đầu sách về Vinh. Nhưng từ khi nghỉ hưu (năm 2017), ông đã dành toàn bộ thời gian và tâm trí cho để sưu tầm, nghiên cứu về Vinh, đặc biệt là đề tài Vinh thời thuộc Pháp.
Năm 2015, từ những bức ảnh quý giá về Vinh những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Phạm Xuân Cần đã tuyển chọn và công bố cuốn sách Vinh xưa. Ngay sau khi ấn hành, Vinh xưa đã nhanh chóng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả trong và ngoài nước. Đây cũng chính là cuốn sách cùng một lúc được trao hai giải thưởng danh giá: Giải Bạc sách đẹp và Giải Đồng sách hay (Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016).
Qua những bức ảnh, cánh cửa về đô thị Vinh thời thuộc Pháp dần mở ra trước mắt ông, nó thôi thúc, khơi dậy niềm đam mê khám phá, và cứ thế, cứ thế, Nhà Vinh học đã miệt mài dấn thân vào cuộc hành trình đi tìm.... dấu Vinh xưa!
Không thể kể xiết những vất vả, gian lao trong cuộc hành trình của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần, nhưng, ông cũng tự nhận mình là người may mắn, bởi bên cạnh luôn có sự đồng hành của biết bao người yêu mến Vinh. Họ đã góp phần hỗ trợ cung cấp tư liệu, hình ảnh, biên dịch, xác minh,... Và, đến hôm nay, kết quả của cuộc dấn thân không biết mệt mỏi ấy là công trình đồ sộ hơn 700 trang: Tìm dấu Vinh xưa.
Sách về Vinh, nhất là về lịch sử, lâu nay đã có khá nhiều. Thế nhưng, những nghiên cứu của ông vẫn tạo nên sự khác biệt lớn so với các công trình khác. Trước hết, ông không đi vào nghiên cứu lịch sử đấu tranh chính trị, như các nhà nghiên cứu khác. Ông chủ yếu nghiên cứu về lịch sử đô thị, tập trung mô tả, nghiên cứu những vấn đề về diện mạo đô thị, con người đô thị Vinh, với những công trình đô thị, kinh tế, dân sinh cụ thể và những nhân vật cụ thể, đủ mọi tầng lớp từ quan chức, đến trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo, nhà văn, danh thủ thể thao, đặc biệt là các doanh nhân cả tây, cả ta đã góp phần tạo dựng nên đô thị Vinh, thời bắt đầu đô thị hóa. Cách tiếp cận mới đó, cùng với nguồn tư liệu phong phú, mà hầu hết là các tư liệu, thông tin mới mẻ, được khai thác từ các trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước, nguồn tư liệu từ các gia đình, lần đầu tiên được công bố, đã mang lại cho người đọc một hình dung rất khác về đô thị Vinh, so với những gì lâu nay vẫn được viết. Bên cạnh nội dung khoa học với nhiều khám phá mới, cuốn sách cũng được trình bày bởi một phong cách phóng khoáng, đậm chất văn chương, ít thấy trong các công trình nghiên cứu cùng loại. Vì vậy, mặc dù là công trình nghiên cứu khá đồ sộ, nhưng người đọc sẽ không cảm thấy nhàm chán, khó khăn khi đọc. Đó là chưa kể, Tìm dấu Vinh xưa cũng có thể đóng vai trò như một công cụ tra cứu, khi bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu một công trình, một địa danh, một sự kiện, hay một nhân vật nào đó của Vinh xưa.
Được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng - Trung Đô - Vinh, Tìm dấu Vinh xưa không chỉ đơn thuần là quà tặng giá trị, mà hơn thế nữa, cuốn sách còn gửi gắm trong đó rất nhiều thông điệp sâu sắc, để những người yêu Vinh, quan tâm, mong muốn đầu tư vào Vinh có được những kiến thức hữu ích, cái nhìn tổng quan, khách quan, chính xác, từ đó góp phần dựng xây Vinh ngày càng giàu đẹp hơn!
Nếu như tác giả Phạm Xuân Cần chọn hướng đi sâu vào việc nghiên cứu về diện mạo Vinh xưa nhằm tái hiện lịch sử thì tác giả Phạm Thuỳ Vinh lại ngẫu hứng, thổn thức với vẻ đẹp bình dị của mảnh đất và con người Vinh nay. Là một người con Thái Bình, lập gia đình và làm việc ở Vinh, hiện nay với cương vị là Phó Chủ tịch Hội LH VHNT, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam, tác giả Phạm Thuỳ Vinh đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học về Vinh.
VINH PHỐ CỦA TÔI
Tác giả: Phạm Thuỳ Vinh
Thể loại: Tản văn
Khuôn khổ: 14x20cm
Cuốn sách Vinh phố của tôi của tác giả Phạm Thùy Vinh được tập hợp chủ yếu từ các bài báo viết cho chuyên mục “Bốn mùa qua phố” của báo Nghệ An trong nhiều năm về trước. Cuốn sách này còn có một phần nhỏ những ghi chép trên facebook cá nhân tác giả. Đó là những nghĩ suy, những cảm xúc trên đường đi làm, đi chợ, giờ đón con, hay ngồi cà phê với bè bạn… Những ghi chép mà tác giả gọi là ghi chép vụn, “những mảnh vụn của nỗi buồn, niềm vui, đã giúp tôi lớn lên mỗi ngày, đã giúp tôi yêu thêm nơi chốn mà tôi muốn mình thuộc về. Những bé mọn đã làm nên tôi của hôm nay, tôi của bây giờ”.
Tại buổi giới thiệu sách, tác giả Phạm Thùy Vinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình khi nhắc đến gia đình, đồng nghiệp, những người bạn, những cộng sự đã động viên, giúp đỡ, thôi thúc tác giả cho ra đời cuốn sách. Tác giả chia sẻ thêm, đây chỉ là một cuốn sách bé nhỏ chứa đựng cảm xúc của một cô dâu người Bắc khi về đây, để bày tỏ tình yêu với thành phố Vinh. Đó cũng như là một lời cảm ơn, lời tri ân của tác giả với thành phố này.
Nói về 2 cuốn sách này, PGS.TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LH VHNT tỉnh Nghệ An chia sẻ: Cả hai cuốn sách đều rất giá trị. Cuốn Tìm dấu vinh xưa là một cuốn lịch sử về đô thị, còn Vinh phố của tôi là cuốn tùy bút văn chương, nhưng cả hai cuốn sách đều xuất phát từ một cái chung là tấm lòng yêu tha thiết thành phố Vinh. Với Vinh phố của tôi là tiếng lòng của tác giả – một người tuy không sinh ra và cũng không phải là quê quán ở Vinh – nhưng lại gắn bó sâu nặng, tha thiết với mảnh đất này. Vinh phố của tôi mang chất trữ tình sâu đậm. Mỗi con phố, hàng cây, vỉa hè, chợ cóc… với tác giả đều gợi nên những ký ức đẹp, những nỗi niềm gắn bó thân thương, như là một phần máu thịt của mình. Và cái tôi tác giả giàu xúc động, luôn sống hết mình với cảnh với người, bên cạnh những con đường, những ngõ phố, vỉa hè, ngã 3, ngã 4… là bóng dáng những người lao động nghèo: chị bán hàng nước vỉa hè, bác thợ sửa xe, chị bán hàng xén chợ cóc…”.
Được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô, Tìm dấu Vinh xưa và Vinh phố của tôi là những cuốn sách gửi gắm trong đó rất nhiều thông điệp sâu sắc, là món quà giá trị cho những người yêu và gắn bó với thành phố Đỏ, để bồi đắp thêm tình yêu thành phố, góp phần dựng xây một thành Vinh ngày càng giàu đẹp.
1. PHẠM XUÂN CẦN Tìm dấu Vinh xưa: Diện mạo đô thị và con người Vinh thời pháp thuộc.- Tái bản lần thứ hai, có chỉnh lí bổ sung.- Nghệ An: Nxb. Nghệ An, 2023.- 703 tr: ảnh; 24cm. ISBN: 9786043763973 Tóm tắt: Tập trung mô tả, trình bày về các yếu tố cấu thành đô thị Vinh; các công trình văn hoá tín ngưỡng tiêu biểu; hạ tầng đô thị; hạ tầng kinh tế, dân sinh; các địa danh nổi tiếng; các lĩnh vực giáo dục, y tế, báo chí, thể thao, xã hội... Chân dung một số nhân vật có ảnh hướng theo nhiều chiều khác nhau đến sự phát triển của thành phố đương thời như các nhà chính trị, doanh nhân, trí thức, nhà giáo, nhà báo, nhà văn, văn nghệ sĩ, danh thủ bóng đá.... Chỉ số phân loại: 959.742 PXC.TD 2023 Số ĐKCB: TK.02024, |
2. PHẠM THÙY VINH Vinh phố của tôi: Tản văn/ Phạm Thùy Vinh.- Nghệ An: Nxb. Nghệ An, 2023.- 263tr.: ảnh; 20cm. ISBN: 9786043763942 Chỉ số phân loại: 895.9228408 PTV.VP 2023 Số ĐKCB: TK.02026, |
Thư viện trường THPT Nghi Lộc 5 trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách, Kính mời thầy cô và các em học sinh đến thư viện nhà trường để tìm hiểu và đón đọc.